A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Kon Tum tiến hành giám sát tại thành phố Kon Tum

Chiều 08/8, Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Kon Tum tiến hành giám sát tại thành phố Kon Tum về công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Phan Ngọc Định - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Quang cảnh buổi làm việc

 

Trong những năm qua, thành phố Kon Tum đã tập trung đẩy mạnh triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các DTTS trên địa bàn và đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch địa phương; đã có nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn thành phố được khảo sát, phục dựng và bảo tồn, như: Lễ cưới truyền thống của người Gia Rai, Ba Hnar; Nghề dệt thổ cẩm và đan lát của người Ba Hnar, Rơ ngao, Gia Rai, Xê Đăng; Lễ bỏ mả của người Gia Rai; Lễ mừng lúa mới của người Ba Hnar, Rơ Ngao.

Để bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS, thành phố thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức các nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng; tổ chức Liên hoan cồng chiêng và mở lớp truyền dạy văn hóa dân gian của các tộc người dân tộc thiểu số trên địa bàn thường xuyên. Tại các trường học cũng đã xây dựng góc địa phương, mô hình nhà Rông, học sinh DTTS mặc trang phục truyền thống khi đến trường, thành lập các đội cồng chiêng, múa xoang. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 204 bộ cồng chiêng, trong đó 65 bộ cồng chiêng của tập thể thôn, làng, 139 bộ cồng chiêng của cá nhân hộ gia đình; có 107 đội văn nghệ quần chúng; 90 đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang (trong đó 28 đội cồng chiêng thanh thiếu niên), có 09 nghệ nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển với sự giao thoa nhiều nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là lớp trẻ có sự thay đổi về nhận thức, thị hiếu thẩm mĩ nên công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn như: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian các DTTS chưa được triển khai một cách đồng bộ, sâu rộng cho từng cộng đồng DTTS, nhận thức của một số người đồng bào các DTTS còn hạn chế; một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể chưa được bảo tồn hiệu quả; đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc còn hạn chế, ít kinh nghiệm; những nghệ nhân của loại hình di sản văn hóa truyền thống tuổi ngày càng cao, già yếu, bệnh tật, nhiều nghệ nhân đã qua đời; phần lớn thế hệ trẻ ít mặn mà với loại hình văn học dân gian của dân tộc....

Đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả đạt được của thành phố trong công tác bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số. Đồng thời, trao đổi, phân tích, làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và tiếp thu các kiến nghị, đề xuất nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Hôm nay : 27
Hôm qua : 33
Tháng 01 : 555
Tháng trước : 1.573
Năm 2025 : 555