A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UBND thành phố Kon Tum tổ chức làm việc về xử lý vi phạm HLATĐB trên địa bàn xã Đoàn Kết và Ia Chim

Chiều 16/8, tại xã Ia Chim, UBND thành phố Kon Tum tổ chức buổi làm việc về xử lý vi phạm HLATĐB trên địa bàn xã Đoàn Kết và Ia Chim. Đồng chí Phan Ngọc Định – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì buổi làm việc. Tham dự có các đồng chí: Trần Bá Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh; Hà Đường - Ủy viên BTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố; lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, Thanh tra giao thông tỉnh; Phòng Quản lý đô thị thành phố; Đảng ủy, UBND xã Đoàn Kết, Ia Chim.

Quang cảnh Hội nghị

 

Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các xã, phường có tuyến tỉnh lộ 671 và 675 đi qua triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ để xử lý các trường hợp vi phạm HLATĐB và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Theo số liệu thống kê, tổng số trường hợp vi phạm HLATĐB trên địa bàn thành phố được Thanh tra Sở Giao thông Vận tải xác định là 682 trường hợp. Sau khi tổ chức vận động người dân có công trình vi phạm, đến tháng 7/2023 thành phố còn lại 313 trường hợp/10 xã, phường, có 02 xã là xã Kroong và Đăk Blà đã xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm HLATĐB trên địa bàn. Riêng tại xã Đoàn Kết còn lại 59/120 trường hợp chưa tháo dỡ, xã Ia Chim còn 68/90 trường hợp chưa tháo dỡ.

Trong quá trình tổ chức xử lý vi phạm HLATĐB, xã Đoàn Kết, Ia Chim và các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Đa số các trường hợp có công trình vi phạm từ năm 2013 trở về trước có hàng rào hoặc nhà ở nằm trong HLATĐB do các hộ dân xây dựng trước năm 2013, được Thanh tra Sở giao thông vận tải lập danh sách đưa vào diện theo dõi, quản lý, không lập biên bản vi phạm. Thời điểm người dân xây dựng, các tuyến đường tỉnh lộ 671, 675 chưa được nâng cấp, mở rộng; các trường hợp vi phạm sau năm 2013 chủ yếu là cổng, tường rào và mái vòm trong phạm vi HLATĐB nằm trên đất của người dân được Nhà nước cấp Quyền sử dụng đất đất; khi chính quyền đi vận động, tuyên truyền tháo dỡ thì người dân phản ứng, yêu cầu bồi thường thì mới đồng ý tháo dỡ.

Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự đã tích cực tham gia các ý kiến đóng góp, làm rõ các vấn đề có liên quan đến cơ chế, quy định của pháp luật về quản lý HLATĐB, tình hình thực tế về các trường hợp vi phạm HLATĐB tại địa phương, nêu ra một số giải pháp xử lý vừa đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố tiếp tục kiến nghị: Đối với các tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn các xã, phường, nếu thuộc qui hoạch đô thị thì thực hiện quản lý theo quy hoạch đô thị, các trường hợp này đề nghị Sở Giao thông vận tải không thống kê, theo dõi và đưa ra khỏi danh sách theo dõi, giao cho chính quyền địa phương theo dõi, xử lý theo quy hoạch đô thị; tạm thời cho phép tồn tại đối với một số trường hợp vi phạm nhưng ít ảnh hưởng đến an toàn giao thông như: Nhà tái định cư dự án Thủy điện Yaly tại xã Ngok Bay; nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; nhà và công trình nằm trên thửa đất ngắn không còn đất xây dựng, công trình rào tạm để bảo vệ tài sản; mái tôn phía trước hiên nhà vi phạm dưới 02m nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu công trình giao thông và không gây mất an toàn giao thông; đồng thời các hộ vi phạm có cam kết sẽ không yêu cầu đền bù và tự giác tháo dỡ công trình vi phạm để giải phóng mặt bằng khi Nhà nước đầu tư xây dựng các tuyến đường theo quy hoạch; trường hợp bắt buộc phải tháo dỡ thì đề nghị xem xét có chính sách hỗ trợ tài sản trên đất theo qui định tại khoản 3, Điều 157, Luật đất đai năm 2013 trước khi triển khai cưỡng chế, giải tỏa.

 UBND thành phố đề nghị Sở Giao thông Vận, tải, Thanh tra Giao thông, Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn tiếp tục có ý kiến, đóng góp, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp giải quyết phù hợp trong thời gian tới./.


Nguồn:Trang thông tin điện tử thành phố Kon Tum Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Hôm qua : 62
Tháng 05 : 1.179
Tháng trước : 1.037
Năm 2024 : 5.722